Việc cho bé ăn dặm kiểu Nhật giờ đây đã trở nên phổ biến. Các bậc phụ huynh hẳn sẽ phải tìm tòi khá nhiều thông tin về vấn đề này. Xin mời cùng tham khảo hôm nay.
Nguyên tắc cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Dưới đây là vài nguyên tắc mà ba mẹ cần biết nếu muốn cho bé ăn dặm kiểu Nhật.
- Chỉ dùng gạo hay mì udon để nấu cháo cho bé ăn, không xay thành bột.
- Không để lẫn các món ăn với nhau, để các món riêng ra cho bé sử dụng.
- Nên đa dạng đồ ăn cho bé ( lưu ý hạn chế đồ ăn khó tiêu hay dễ dị ứng hoặc gây nghẹn)
- Cung cấp môi trường tốt để bé ăn ngon, hạn chế bật tivi hay dùng điện thoại khi ăn
- Cho bé chủ động ăn, không ép buộc, không nịnh nọt
- Nhịn nhục khi áp dụng phương pháp này
Khi nào bé có thể ăn dặm?
Vấn đề ăn dặm là vấn đề quan trọng, đặc biệt là thời điểm áp dụng phương pháp. Để sử dụng việc ăn dặm kiểu Nhật, các bé cần có thể ngồi tốt và vững. Do đó, chỉ nên áp dụng phương pháp này khi bé ở 5-6 tháng tuổi. Lúc này, sức khỏe của bé tốt hơn và khả năng tự ăn cũng được rèn luyện ổn định.
Thời gian đầu khi tập bé ăn dặm bạn sẽ gặp ít nhiều khó khăn, bạn đừng vội vàng, nên tạo bầu không khí vui vẻ trong thời gian ăn uống của bé… Hãy biến thành khoảng thời gian hạnh phúc của cả mẹ và bé.
Lưu ý về thực phẩm cho bé
- Mật ong: Không bổ sung mật ong cho bé dưới 1 tuổi để phòng tránh nhiễm trực khuẩn Clostridium.
- Trứng: Một số bé có thể dị ứng với trứng. Do đó, khi bé được 7-8 tháng, bắt đầu cho bé ăn lòng đỏ trứng luộc chín kỹ, quan sát biểu hiện của bé có dị ứng hay không (rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn, ngứa…) rồi mới cho bé ăn tiếp lòng trắng trứng.
- Sữa bò: Chỉ cho bé trên 1 tuổi uống sữa bò. Tuy nhiên có thể dùng chế phẩm từ sữa bò như pho-mát làm nguyên liệu thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi.
Các giai đoạn ăn dặm cho bé kiểu Nhật
Giai đoạn 1 từ 5~6 tháng tuổi: tập nuốt
Đây là giai đoạn bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ/sữa công thức. Tùy theo sự phát triển của từng trẻ mà có thể bắt đầu sớm hay muộn. Lúc đầu, ngày cho ăn một bữa với 1 thìa nhỏ (độ 5ml) cháo nghiền loãng. Sau đó, các mẹ có thể nâng dần lên 2 bữa, mỗi bữa hai thìa nhỏ: một thìa cháo, một thìa rau củ. Tất cả các món ăn cho bé đều ở dạng dung dịch loãng, không nêm gia vị. Thực phẩm sử dụng ở giai đoạn này chủ yếu là:
- Chất bột: gạo, bánh mỳ, tinh bột, khoai tây, khoai lang;
- Rau quả: cà-rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà-chua;
- Hoa quả các loại;
- Chất đạm: Chủ yếu là cá trắng (cá thờn bơn, cá tráp trắng…), đậu phụ.
Giai đoạn 2 từ 7~8 tháng tuổi: nhai trệu trạo
Giai đoạn 2 trong ăn dặm kiểu Nhật áp dụng cho bé 7-8 tháng tuổi. Lúc này có thể cho trẻ ăn 2 bữa mỗi ngày vào bữa sáng và bữa tối. Lượng thức ăn và độ cứng cũng tăng lên. Mỗi bữa có thể cho trẻ ăn khoảng 50g cháo, hoa quả và rau 20g, thức ăn 30g. Các loại thực phẩm tương tự như trên, nhưng cháo và các thức ăn nghiền khác đặc hơn một chút (dạng sột sệt giống như sữa chua). Đồng thời, có thể cho ăn thêm lòng đỏ trứng, pho mát đã chế biến, thịt lườn gà, cá hồi, có thể dùng các món ăn chế biến từ một lượng nhỏ sữa tươi.
Giai đoạn 3 từ 9~11 tháng tuổi: tập nhai
Giai đoạn này cho trẻ ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối. Lượng thức ăn: tinh bột: 90g, rau và quả 30g, chất đạm 40~45g. Cháo không cần nghiền nát nữa mà có thể để nguyên hạt gạo, đặc hơn dạng sền sệt một chút. Thức ăn có thể không cần nghiền nữa mà để nguyên hình dạng nhưng phải cắt nhỏ, mỏng và ninh mềm. Trẻ có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm và các loại gia vị như muối, xì dầu với lượng nhỏ. Tuy nhiên, cần tránh các loại thức ăn khó tiêu hoặc quá cứng (ví dụ: đậu phụ rán, thịt bò, thịt lợn quá nhiều mỡ…), mật ong, các loại nước sốt bán sẵn, các loại hạt nêm…
Bé 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi: nhai khỏe (ăn sam)
Giai đoạn cuối của ăn dặm kiểu Nhật là lúc bé đã khá lớn. Lúc này trẻ có thể ăn một ngày 3 bữa, kèm theo hai bữa ăn quà. Đồng thời, trẻ có thể ăn cơm nhão và các thức ăn được thái dày hơn, to hơn.
Theo yhoccongdong.com
Thanh Vân