Bệnh nhân xơ gan thường gặp phải các triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn gây sút cân, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng… Để cải thiện bệnh tình, bệnh nhân xơ gan cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học nhất. QMK sẽ thông tin đến bạn đọc chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng giai đoạn của người bệnh xơ gan.
Chế độ dinh dưỡng ở giai xơ gan còn bù (chưa có cổ trướng)
Xơ gan còn bù là giai đoạn đầu của bệnh nhân mắc bệnh xơ gan. Mặc dù gan chịu tổn thương và suy yếu nhưng vẫn hoạt động được các chức năng quan trọng của cơ thể. Vì vậy ngay ở giai đoạn này, người bệnh cần có chăm sóc cơ thể và bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ ăn của bệnh nhân xơ gan còn bù gần giống như người bình thường. Người bệnh không cần quá kiêng kị mà nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như đạm, đường, mỡ, vitamin và khoáng chất.
- Đạm: Nên ăn các thực phẩm chứa đạm có giá trị sinh học cao, ít béo. Ví dụ thịt lợn nạc, gà nạc, cá nạc, trứng, sữa bột tách bơ.
- Chất béo: Khi mắc bệnh về gan, người bệnh cần hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo. Đặc biệt là các món chiên dầu mỡ. Có thể thay đổi thói quen nấu ăn bằng cách sử dụng dầu thực vật.
- Đường: Tăng cường chất bột, đường dễ hấp thu như gạo, khoai củ, đường glucose, mật ong, các loại quả ngọt. Tránh các loại bánh kẹo nhiều bơ sữa béo, mứt, nước ngọt.
- Rau xanh, quả tươi: Mỗi ngày cần cung cấp đủ 300-400g rau xanh và 200g quả chín, nên chọn các loại lá xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau cải, rau dền, cà rốt, cà chua, bí đỏ, giá đỗ, các loại quả như cam, quýt, xoài, đu đủ chín… Bổ sung đầy đủ lượng nước: 1,5-2l/ngày.
Thực phẩm bệnh nhân xơ gan nên ăn
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ở giai đoạn xơ gan mất bù (phù, cổ trướng)
Xơ gan mất bù là giai đoạn cuối của bệnh nhân bị xơ gan. Nó còn có tên gọi khác thường gặp là xơ gan cổ trướng. Lúc này phần gan bị tổn thương đã lan rộng, lá gan gần như hoàn toàn xơ hóa. Chức năng gan hoạt động vô cùng yếu. Vì những tế bào gan chưa bị tổn thương không còn khả năng bù trừ các tế bào bị tổn thương nữa.
Ở giai đoạn này, người bệnh cũng tuân thủ theo nguyên tắc ăn uống gần giống xơ gan còn bù. Tuy nhiên có một vài lưu ý đặc biệt sau:
- Giảm lượng đạm, tăng đạm quý (có acid amin mạch nhánh- BCAAs).
- Giảm muối, tăng chất xơ trong rau xanh, trái cây hay chất xơ thô để nhuận tràng sao cho đi ngoài 2-3 lần/ngày. Ngoài ra ăn nhiều rau xanh, trái cây còn làm tăng kali cho bệnh nhân.
- Đảm bảo lượng nước uống 1-1,2l/ngày, nên dùng các thức uống, đồ ăn có tính lợi mật, nhuận gan như: lá trà xanh, lá cây nhọ nồi, nhân trần, actiso…
- Táo bón ở bệnh nhân xơ gan mất bù: Là triệu chứng thường xảy ra ở bệnh nhân xơ gan và gây hậu quả nặng nề, đó là hội chứng não – gan. Vì vậy, chế độ ăn cho những trường hợp này cần giảm protein qua đường tiêu hóa, thay thế bằng acid amin mạch nhánh, sử dụng chất xơ, men tiêu hóa để làm giảm triệu chứng táo bón. Bổ sung lượng đạm qua đường tĩnh mạch không gây hội chứng não gan.
Bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối nên cắt giảm protein và tăng cường chất xơ cho cơ thể
Trích nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Thu Thảo