Thế nào là viêm tai giữa thanh dịch?
Tình trạng xuất hiện dịch nhầy vô khuẩn trong hòm tai nhưng không rõ ràng, đó là những triệu chứng của bệnh viêm tai giữa thanh dịch. Ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi rất hay mắc phải, đặc biệt là trẻ từ 1-3 tuổi. Nhưng cũng có trường hợp xảy ra ở trẻ lớn hơn, tuy nhiên tỷ lệ thường ít hơn.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, dịch có thể tích tụ lâu ngày mà không thoát ra được gây tình trạng suy giảm thính lực tạm thời. Thường các bậc cha mẹ thường xem nhẹ; và không quan tâm tới vì triệu chứng của viêm tai giữa thanh dịch thường diễn biến “lặng lẽ” và không biểu hiện cấp tính.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ em, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp như sau:
Rối loạn chức năng vòi Eustache, gây tắc vòi nhĩ cơ năng (đây là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu) thường do các tác nhân như:
– Cảm lạnh dẫn đến nghẹt mũi, họng và ống eustachian
– Viêm VA mạn tính quá phát hoặc cấp tính.
– U nang bẩm sinh hay u xơ vùng vòm mũi họng… chèn ép làm tắc vòi nhĩ cơ học
– Nhiễm trùng đường hô hấp trên gây viêm nhiễm, phù nề niêm mạc
– Dị ứng và rối loạn chức năng lông chuyển, bất thường nguyên phát hoặc thứ phát niêm mạc đường hô hấp.
– Ống eustachian chưa phát triển đầy đủ, thường ở trẻ nhỏ.
Bị viêm tai giữa thanh dịch không loại trừ lứa tuổi nào nhưng thường có nguy cơ cao hơn ở những trẻ:
– Bị nhiễm lạnh hoặc dị ứng
– Trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá
– Trẻ có tiền sử các bệnh về tai
– Hở hàm ếch hoặc bị dị dạng cấu trúc xương mặt
Cách điều trị viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ như thế nào?
Nếu không được điều trị, để viêm tai thanh dịch kéo dài; thì sẽ dẫn đến tình trạng màng nhĩ co lõm, dính tạo thành túi co kéo, tình trạng nghe kém ngày càng tăng. Túi co kéo của màng nhĩ là điều kiện gây nên viêm tai giữa nguy hiểm…
Về phương pháp điều trị viêm tai thanh dịch tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh; triệu chứng bệnh lý cụ thể và khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhi. Vì vậy, nếu trẻ bị viêm tai thanh dịch cần đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, việc điều trị viêm tai giữa thanh dịch chủ yếu là nội khoa; có khi phải kết hợp điều trị nội khoa với ngoại khoa. Mục đích của điều trị là tạo lại sự hoạt động bình thường của vòi nhĩ; giảm dần tình trạng tiết dịch của niêm mạc hòm tai.
Điều trị nội khoa
Cần dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn mũi họng corticoid kháng histamin và thuốc tan, loãng dịch nhầy. Trong quá trình điều trị viên tai giữa thanh dịch cho trẻ bằng thuốc kháng sinh; trẻ cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng giờ giấc uống thuốc; tuyệt đối không điều chỉnh thuốc; ngưng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc dùng thuốc của lần khám trước, dùng đơn thuốc của người bệnh khác,….
Điều trị ngoại khoa
Chích rạch màng nhĩ khi hòm tai ứ dịch, màng nhĩ căng phồng hoặc đặt ống thông khí hòm nhĩ khi màng nhĩ lõm, dính.
Dù điều trị theo cách nội khoa hay ngoại khoa, người bệnh bị viêm tai giữa thanh dịch cần lựa chọn được bác sĩ chuyên khoa giỏi, địa chỉ khám và điều trị tai mũi họng uy tín để được chẩn đoán chính xác và chữa trị nhanh chóng.
Nguồn: Benhvienthucuc
Hồng Tuyết