Đau nhức vành tai cảnh báo bệnh gì?
Đau nhức vành tai do viêm vành tai hoặc có thể do các tác nhân bên ngoài. Viêm vành tai là bệnh do vi khuẩn ký sinh tại vành tai. Trong bệnh viêm vành tai thường xảy ra ở 2 thể là viêm mô tế bào tai và viêm màng sụn. Đau nhức vành tai có thể là triệu chứng của các bệnh dưới đây:
Viêm màng sụn
Là nhiễm khuẩn màng sụn tai thường đi kèm với nhiễm khuẩn sụn bên dưới loa tai (viêm sụn). Do viêm làm gián đoạn dòng máu chảy đến sụn nên có thể gây ra dị dạng tai.
Triệu chứng gồm: sưng, nóng đỏ và rất nhạy cảm đau ở loa tai, thường không ảnh hưởng đến dái tai. Bỏng, chấn thương ở tai hoặc xỏ lỗ tai thường là yếu tố thuận lợi gây viêm sụn và mầm bệnh hay gặp là vi khuẩn Pseudomonas aerunosa và S.aureus.
Viêm mô tế bào tai
Thường có biểu hiện là tai sưng, có ban đỏ, nóng và nhạy cảm đau. Nhất là dái tai sưng nề và đỏ, chấn thương nhẹ ở tai là yếu tố thuận lợi gây viêm mô tế bào tai.
Cần làm gì khi bị đau nhức vành tai?
Sưng đau vành tai do côn trùng đốt hoặc do ngủ đè lên mà sưng đau vành tai khỏi trong một vài ngày thì bạn không cần quá lo lắng. Nhưng vì đây có thể là triệu chứng của các bệnh lý về tai; nên nếu hiện tượng đau nhức kéo dài nhiều ngày thì bạn cần lamg những điều sau:
Đi khám bác sĩ
Nếu bị viêm vành tai không rõ nguyên nhân và kèm theo triệu chứng sưng tấy; nóng; đỏ; sốt hoặc tiết dịch màu vàng thì bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để có biện pháp điều trị dứt điểm, tránh tình trạng sưng đau tái phát nhiều lần.
Bạn có thể dùng gạc ấm đắp lên vùng bị viêm hoặc sử dụng thuốc kháng sinh điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ nên dùng thuốc bôi ở vết sưng vành tai theo chỉ định; để tránh trường hợp sai thuốc dẫn đến biến chứng nghiêm trọng
Tránh nằm ngủ đè lên tai
Không nằm nghiêng 1 bên quá lâu, thường xuyên thay đổi tư thế ngủ, điều này không chỉ giúp vành tai giảm đau mà còn tốt cho sức khỏe.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Cần giữ gìn vệ sinh tai hàng ngày; sử dụng cồn y tế hoặc nước muối sinh lý để thấm vào bông gòn hoặc khăn để lau vành tai.Tránh tổn thương vành tai thông qua phương pháp không sử dụng vật sắc nhọn hay sử dụng móng tay để ngoáy tai.
Sau khi tắm hay bơi lội dưới nước nên dùng máy sấy tóc thổi khô nước ở trong ống tai, nhỏ thuốc sát khuẩn vào tai, những người đang bị viêm tai nên tránh bơi lội hoặc hoạt động dưới nước cho đến khi điều trị khỏi.
Trên đây là những kiến thức y khoa liên quan đến hiện tượng đau nhức vành tai. Đây là triệu chứng thường gặp nhưng có thể đang cảnh báo bệnh lý nguy hiểm về tai. Do đó bạn không nên thờ ơ mà cần đi thăm khám để được chẩn đoán sớm nhất.
Hồng Tuyết