Nhiệt miệng là gì?
Loét áp-tơ (aphthous ulcer) hay còn gọi là nhiệt miệng; ban đầu là vết loét nhỏ màu trắng hoặc màu vàng ở giữa và đỏ ở viền xung quanh, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu của bạn, sau đó có thể bội nhiễm làm vết loét rộng ra, có mủ và gây đau rát, khó khăn trong nói chuyện và ăn uống
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Các nguyên nhân gây nhiệt miệng do:
– Do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc khoang miệng phản ứng với các thành phần hóa học nào đó như: kem đánh răng, nước súc miệng… Một nghiên cứu được tiến hành ở Na Uy chỉ ra mối quan hệ giữa Sodium lauryl sulfate có trong nước súc miệng, kem đánh răng và tỷ lệ mắc nhiệt miệng: người ta thấy rằng hiệu ứng biến tính của Sodium lauryl sulfate trên lớp niêm mạc miệng, tiếp xúc với các tế bào biểu mô cơ, làm gia tăng nhiệt miệng.
– Niêm mạc miệng bị tổn thương do chúng ta vô tình cắn phải hoặc ăn thức ăn quá nóng, đánh răng miệng bằng bàn chải cứng hoặc đánh quá mạnh…
– Do thiếu chất: vitamin B12, B9 (axit folic…) và các khoáng chất như sắt, kẽm…
– Do các bệnh lý về răng: sâu răng, viêm quanh răng, viêm tủy răng…
– Thay đổi hoóc môn, căng thẳng, stress cũng gây nên nhiệt miệng.
Các dạng nhiệt miệng phổ biến
– Nhiệt miệng Herpes: Đây là dạng ít gặp nhất, tổn thương chỉ khoảng 1-3 mm nhưng tập trung thành đám, đám tổn thương này có thể tập trung ở một khu nhỏ hoặc tập trung trên diện rộng. Thường lành sau 1-2 tuần và không để lại sẹo.
– Nhiệt miệng thể nhỏ: Là dạng thường gặp, biểu hiện là vết loét nông, riêng biệt từng vết, số lượng từ 1-5 vết đường kính dưới 1cm, gây đau. Dạng áp tơ này hay xảy ra ở môi, má và nền miệng, thường tự khỏi sau 7-10 ngày và không để lại sẹo.
– Nhiệt miệng thể lớn: Là loại nhiệt ít gặp hơn; các vết loét thường lớn, sâu hơn; tập trung thành nhóm gần nhau, thường xảy ra ở môi, hàm ếch, họng. Nếu gặp phải dạng áp tơ này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tổn thương có thể kéo dài 6 tuần, có thể để lại sẹo, thậm chí dây co kéo miệng hầu.
Cách điều trị
– Dùng các loại thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ, vệ sinh răng miệng sạch sẽ; súc miệng hàng ngày với nước muối pha loãng.
– Để phòng tránh nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; đặc biệt là các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, tránh tình trạng cơ thể bị nóng gây ra bệnh và làm cho bệnh nặng thêm.
– Nên tránh ăn các loại thực phẩm có chứa axit như chanh; thức ăn có vị chát hay tẩm ướp nhiều gia vị ớt; hạt tiêu… sẽ làm vết thương đau đớn hơn.
– Không sử dụng các loại nước súc miệng, kem đánh răng có chứa Sodium lauryl sulfate.
– Khi bị nhiệt miệng tái phát nhiều lần và khó lành hay bị nhiệt kèm theo sốt; tiêu chảy; nhức đầu hoặc phát ban ở da thì cách tốt nhất là đi khám để được điều trị dứt điểm.
Nguồn: Benhvienthucuc
Hồng Tuyết