Dinh Dưỡng, Dinh Dưỡng Người Lớn

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh về tim mạch

kiem-tra-suc-khoe-chuan-bi-gi-1
Các bệnh lý về tim mạch luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nguy hại đến cơ thể. Riêng với những người có bệnh về tim mạch, chế độ ăn cũng cần có sự tham khảo; và cân nhắc từ phía bác sĩ hoặc chuyên gia có chuyên môn. Vậy nếu bạn có người thân bị có bệnh về tim; bạn càng không nên bỏ qua bài viết này nhé. Vì QMK sẽ mách bạn cách thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho người bị bệnh về tim mạch. Cùng những lưu ý để chăm sóc chế độ dinh dưỡng chuẩn xác nhất!

Bệnh lý về tim mạch 

Những bệnh về tim mạch thường có các dấu hiệu sau như: khó thở vùng ngực liên tục; chân tay phù nề; thở nhanh, thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức,…
Thông thường bệnh tim là do bẩm sinh nhưng cũng có trường hợp là do các tác nhân bên ngoài; như: các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá,…

Những bệnh tim thường gặp

Các bệnh lý về tim chúng ta thường thấy là: xơ vữa mạch máu não; suy tim cấp độ; nhồi máu cơ tim; đột quỵ,…

Chế độ ăn cho người bị bệnh tim mạch

Ăn uống đa dạng

Bao gồm thức ăn có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (rau củ, hoa quả, gạo, mỳ, các loại đậu).

Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng

Nên ăn định kỳ 3 bữa/ngày (người già 4-5 bữa/ngày), ăn đúng giờ quy định để tạo cho cơ thể hình thành phản xạ khiến sự tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và dễ dàng.

Ăn vừa đủ no

Để tránh bị thừa cân và phòng ngừa bệnh tật, mỗi người nên ăn vừa đủ no, không ăn nhiều, ăn cố.

Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo

Lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh tim; chỉ nên chiếm 20-30% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Việc ăn quá nhiều chất béo, đặc biệt là từ động vật; sẽ làm tăng lượng Cholesterol trong máu. Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khiến lòng động mạch vốn hẹp do xơ vữa dễ dàng bít tắc; dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nên sử dụng dầu thực vật thay thế mỡ động vật, hạn chế các món chiên xào, tăng cường các món luộc, hấp.

Hạn chế đồ ngọt

Đường là chất cung cấp một lượng lớn gluxit và calo, không có vitamin và khoáng nên được gọi là chất chứa “calo rỗng”. Người thường xuyên ăn nhiều đường sẽ phát triển bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường…

Hạn chế ăn mặn

Thói quen ăn mặn là rất có hại, đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim. Và xuất hiện các cơn đau tim.
Hạn chế ăn mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu bị bệnh suy tim, cao huyết áp; tức phải hạn chế muối. Tất nhiên ngoài việc hạn chế sử dụng muối khi chế biến thức ăn; còn phải loại bỏ tất cả thức ăn có nhiều muối natri ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày.

Bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng

Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe là các flavonoid, các chất này hoạt động như các chất chống ôxi hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Hạn chế uống rượu, bia

Y học đã chứng minh việc nghiện rượu, bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Với hệ tim mạch, rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim, đồng thời rượu làm giãn các mạch máu ngoại vi, máu dồn ra ngoài da nhiều hơn.

Không hút thuốc lá

Thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Y học đã chứng minh thuốc lá ảnh hưởng rất xấu tới huyết áp, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, thúc đẩy hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến, suy tim… dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề.

Uống nước theo nhu cầu của cơ thể

Đối với một người khỏe mạnh, khi uống nhiều nước, tim và thận phải tăng hoạt động để thải bớt nước ra ngoài để giữ sự cân bằng trong cơ thể. Ngược lại, ở người đã có bệnh tim hay bệnh thận, hai cơ quan này không còn hoạt động tốt nên nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể gây ra triệu chứng khó thở, phù, thậm chí còn gây ra tình trạng “ngộ độc nước”, biểu hiện qua triệu chứng lơ mơ, hôn mê.Vì vậy, người bị bệnh tim mạch nên uống nước với lượng vừa phải mà cơ thể chấp nhận được.

Nguồn: Soytenamdinh

Phương Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *