Vì sao gan quan trọng đến vậy?
Dinh dưỡng có vai trò gì trong bệnh gan ?
Gan được xem như là một nhà máy chế biến thức ăn và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Khi có bất kỳ một bệnh lý nào ở gan thì việc hoạt động của “nhà máy” sẽ đình trệ, nó cần thời gian để nhà máy được sửa chữa phục hồi. Trong thời điểm này nếu chế độ ăn không hợp lý sẽ làm tình trạng bệnh lý gan nặng hơn và sự phục hồi của gan kéo dài.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh gan
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm gan cấp
Người bệnh cần giảm bớt mỡ, bơ, dầu, không nên ăn thực phẩm có nhiều cholesterol như nội tạng súc vật, lòng đỏ trứng …
Cần tăng sử dụng một số chất để cung cấp đủ năng lượng, giúp gan hồi phục tốt hơn như : tăng chất bột đường từ gạo, mật ong, trái cây ngọt, chuối. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp các khoáng chất và các vitamine A, D, B, C …là những yếu tố cần thiết cho hoạt động bình thường của gan.
Chế độ ăn cho người viêm gan mãn
Tăng chất bột đường dễ hấp thu từ gạo, ngũ cốc, trái cây ngọt. Sử dụng thức ăn hàm lượng đạm cao nhưng ít béo như lòng trắng trứng, thịt gà nạc, thịt heo nạc … Cung cấp đủ vitamine cho gan hoạt động, mỗi ngày có thể uống 1 viên Multivitamine.
Chế độ ăn cho người xơ gan
Chế độ ăn cho người xơ gan không báng bụng
Nhu cầu năng lượng như người bình thường.
Muối 2 – 4 g / ngày, được nêm nếm thức ăn với ½ muỗng café muối, không chấm nước tương hay nước mắm.
Uống nước 1.5 – 2 lít nước / ngày.
Tăng lượng đạm thực vật, giảm đạm động vật: 0.8 -1 g đạm / kg cân nặng. Chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ có tác dụng tránh đầy bụng hay khó tiêu, dễ dung nạp thức ăn hơn.
Chế độ ăn cho người xơ gan có báng bụng
Muối 2 gr/ ngày : nêm muối vào thức ăn lạt, không chấm gì thêm.
Không ăn mắm, cá khô, thức ăn đóng hộp hay bày bán sẵn. Nước uống 1 – 1.5 lít / ngày, bao gồm cả sữa, nước lọc, nước trái cây …
Tăng lượng đạm thực vật có thể (nhu cầu đạm 0.8g/ kg/ ngày), hạn chế thịt cá, trứng gà, vịt, sữa; ăn nhiều đậu hủ, uống sữa đậu nành…
Chia chế độ ăn thành nhiều bữa nhỏ : sáng – trưa – chiều – tối, xen kẽ các bữa ăn nhỏ giúp hạn chế bệnh tiểu đường và biến chứng hạ đường huyết. Hạn chế dầu, không ăn mỡ động vật. Ăn nhiều chất xơ: rau xanh, trái cây, hay dạng chất xơ tổng hợp sao cho đi tiêu từ 2 – 3 lần/ ngày.
Bữa ăn cuối cùng cách xa giờ đi ngủ ít nhất 3 – 4 giờ.
Nên ăn nhiều vào buổi sáng để tránh đầy bụng và buồn nôn.
Hạn chế café, trà và tránh những thức ăn chua cay vì dễ nguy cơ viêm dạ dày ở người xơ gan.
Nguồn: Benhvienquocanh
Phương Uyên